Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Qui trình hoạt động của các bộ phận trong khách sạn

Trong khách sạn các bộ phận được phân theo chức năng công việc. Bài viết này sẽ đề cập đến cơ cấu tổ chức điển hình của khách sạn cỡ trung có khoảng 500 phòng và tiếp đến là khách sạn cỡ lớn 1000 phòng. Chức năng của các bộ phận được định rõ ràng cũng như cơ cấu tổ chức, quyền hạn, phạm vi kiểm soát, mối quan hệ với nhân viên cũng sẽ được phác họa.

Khách sạn được chia theo chức năng thành 5 bộ phận riêng biệt: phòng, các nhà hàng & quầy uống, kế toán, tiếp thị thương mại và nhân sự. Các trưởng bộ phận này báo cáo trực tiếp trên GM. Mỗi bộ phận được chia ra thành các tổ chuyên trách nhỏ. Việc phân nhỏ 5 bộ phận lớn thể hiện sự chuyên môn hóa công việc cao hơn do đó kiến thức các kỹ năng của nhân viên trong mỗi đơn vị nhỏ cũng sâu hơn.

A. Bộ phận phòng:
Bộ phận phòng thực hiện chức năng cho thuê phòng của khách sạn. Khách đăng ký phòng phải được tiếp nhận, tình hình phòng trống, phòng có khách phải được cập nhật hằng ngày. Khách phải được trả lời ngay qua thư từ hoặc qua điện thoại. Khi khách ở khách sạn, vệ sinh sạch sẽ các khu vực công cộng cũng như khu vực tiền sảnh phải được bảo đảm. Nếu khách có thắc mắc gì, phải được giải quyết ngay. Đây là một số chức năng quan trọng của các bộ phận phòng. Để thực hiện, bộ phận phòng được chia thành một công việc chuyên sâu hơn. Trong nhiều trường hợp, các đơn vị nhỏ này cũng được xem như các bộ phận phòng ban:

- Bộ phận giặt ủi (Laundry): Trong một khách sạn 500 phòng có quy mô rất lớn, chịu trách nhiệm giặt sạch và ủi tất cả quần áo của khách, khăn màn của khách sạn và đồng phục của nhân viên. Chức năng của nó rất chuyên sâu nên ít khi những người có kiến thức về kỹ năng trong hoạt động giặt ủi lại chuyển sang các lĩnh vực hoạt động khác của khách sạn.


- Bộ phận tiền sảnh (Front-office): Tiếp đón khách khi khách đến khách sạn để làm thủ tục đăng ký và trả phòng. Các điện thoại viên của khách sạn và các chức năng thông tin liên lạc phục vụ khách đều nằm ở bộ phận Front-office. Nhân viên phụ trách hành lý của khách cũng thuộc bộ phận này.

- Tổ đặt phòng (Reservations): Tiếp nhận khách và theo dõi chặt chẽ các phòng được đăng ký trước ở khách sạn.

- Bộ phận tầng phòng: Chịu trách nhiệm lau dọn phòng ở của khách sạn và các nơi công cộng trong khách sạn.

- Bộ phận bảo vệ: Phụ trách bảo đảm an toàn cho khách.

- Bộ phận kỹ thuật: Phụ trách về việc vận hành và bảo trì toàn bộ cơ sở vật chất của khách sạn, bao gồm: Điện, cơ khí, hệ thống sưởi, máy điều hòa không khí, bơm, thực hiện những sửa chữa nhỏ và tu bổ trang thiết bị.

Trong bộ phận phòng có rất nhiều công việc phụ thuộc lẫn nhau, vì thế rất cần sự điều phối chặt chẽ các hoạt động giữa các đơn vị nhỏ.

Giữa bộ phận tiền sảnh (Front-office) và bộ phận đặt phòng có mối liên hệ mật thiết. Mỗi ngày tổ đặt phòng (Reservations) phải thông báo trước cho bộ phận tiền sảnh (Front-office) số phòng trống để bảo đảm việc luôn cập nhật hóa số lượng phòng trong tình trạng sẵn sàng có thể cho thuê. Ngược lại, bộ phận tiền sảnh (Front-office) phải cho tổ đặt phòng biết số khách tự đến thuê phòng (họ là những người không đặt phòng trước).

Tương tự như thế, giữa bộ phận tiền sảnh (Front-office) và bộ phận phục vụ phòng (Housekeeping) cũng có những mối liên hệ. Các thông tin về tình hình phòng ốc phải có hai chiều: Khi khách làm thủ tục trả phòng (check-out), bộ phận tiền sảnh (front-office) phải thông báo cho bộ phận phục vụ phòng (housekeeping) để bộ phận này lau dọn phòng. Mỗi khi căn phòng được lau dọn xong, Housekeeping phải thông báo cho bộ phận tiền sảnh để họ có thể cho khách thuê. Đó là ví dụ về hình thái quan hệ hỗ tương. Các mắt xích khác trong bộ phận phòng minh họa cho hình thái phụ thuộc liên tục, diễn ra khi đầu ra của một đơn vị kia.


Cũng như thế, bộ phận phòng không thể cung cấp một phòng đủ tiêu chuẩn cho khách nếu bộ phận giặt ủi không cung cấp đủ khăn sạch hoặc drap trải giường.

Một ví dụ khác liên quan đến sự truyền đạt cho nhau những thông tin từ bộ phận này qua bộ phận khác: Bộ phận kỹ thuật không thể nào thay thế một công tắc đèn bị hỏng trong phòng khách nếu bộ phận các tầng phòng không thông báo.

Đó là những ví dụ mối phụ thuộc hỗ tương và liên tục tồn tại giữa các đơn vị riêng lẻ trong bộ phận phòng. Để quản lý một cách hiệu quả trong trường hợp có những mối phụ thuộc trên, đòi hỏi kế hoạch, thủ tục, chương trình hành động phải được tiêu chuẩn hóa và thời gian được quy định rõ ràng. Việc phối hợp giữa các đơn vị ấy phải thường xuyên liên hệ trực tiếp với nhau.

B. Bộ phận nhà hàng & quầy uống:
Chức năng chính của bộ phận nhà hàng & quầy uống là cung cấp thức uống và đồ uống cho các thực khách của khách sạn. Khi lữ quán chỉ có một phòng ăn thì công việc rất đơn giản. Nhưng với một khách sạn 500 phòng thì mọi việc sẽ phức tạp hơn nhiều. Có thể sẽ có một quầy giải khát xinh xắn bên bờ hồ bơi, một tổ phục vụ tại phòng (chuyên phục vụ thức ăn, đồ uống tại phòng), một quầy rượu ở phòng đọc báo, một quầy rượu ở khu vực tiền sảnh v.v… Đó là những khu vực đem lại lợi tức cho bộ phận nhà hàng & quầy uống, đôi khi tổng cộng có đến 19 điểm phục vụ thức ăn và đồ uống riêng biệt, không kể tổ phục vụ tại phòng! Hầu như tất cả những điểm phục vụ này đều có chức năng riêng của mình trong hoạt động rộn ràng của khách sạn. Một số nơi khác, không chỉ đơn giản về chức năng phục vụ ăn uống bình thường mà còn có những chức năng phục vụ khác trong chu kỳ 24 tiếng đồng hồ. Do đó, có thể nói là hoạt động của bộ phận nhà hàng & quầy uống là những hoạt động hết sức đa dạng và phong phú. Ngoài ra, yêu cầu về kỹ năng trong bộ phận này cũng rất đặc biệt. Vì có nhiều phần việc có chức năng khác nhau trong bộ phận nhà hàng & quầy uống.


- Hãy bắt đầu với tổ chức “chế biến sản phẩm” hay là bộ phận “nhà bếp”. Trong khách sạn 500 phong, người đứng đầu của đơn vị này là bếp trưởng (executive chef) người này trong bất cứ mỗi khách sạn hạng nhất nào cũng có địa vị và quyền hạn lớn. Dưới bếp trưởng là một loạt các đầu bếp phụ trách các khu vực bếp khác nhau. Khách sạn càng lớn bao nhiêu thì tổ chức nhà bếp cũng phức tạp bấy nhiêu.

- Phục vụ khách trong nhà hàng là nhiệm vụ của bộ phận riêng biệt: Bộ phận “phục vụ bàn”. Trong khách sạn lớn, thường có một trợ lý Giám Đốc các nhà hàng riêng lẻ của các quầy rượu và quầy thực phẩm, quản đốc nhà hàng, các nhân viên “phục vụ bàn” và nhân viên dọn dẹp. Ở các khách sạn tầm cỡ còn có bộ phận đặc biệt chỉ chịu trách nhiệm việc “phục vụ tại phòng”. Vì lợi nhuận đối với thức uống có cồn cao cho nên khách sạn còn thành lập một bộ phận riêng để phục vụ và bán đồ giải khát có cồn.

Hầu hết hội nghị có tầm cỡ và những buổi tiệc tùng, chiêu đãi v.v… thường được tổ chức tại các khách sạn có đủ loại dịch vụ. Một hội nghị, theo đúng tiêu chuẩn, thường sử dụng các phòng họp để tổ chức chuyên đề tổng quát và những phương tiện lớn khác cho các buổi đại tiệc. Cũng có khi khách chỉ cần tổ chức những buổi tiệc nhỏ, lễ cưới hoặc các cuộc họp của giới kinh doanh v.v… Do đó, khách sạn phải sẵn sàng để phục vụ mọi yêu cầu của khách.

Cuối cùng, việc lau chùi, vệ sinh ở bộ phận nhà hàng và quầy uống, lau rửa chén đĩa được giao cho một đơn vị gọi là bộ phận “quản lý các vật dụng nhà bếp”.

Về mặt tổ chức của bộ phận nhà hàng và quầy uống cấn quan tâm đến hai yếu tố:
1. Sự khác biệt về chuyên môn trong từng bộ phận nhỏ.
2. Sự phụ thuộc lẫn nhau của các đơn vị.

Sau đây là một số khác biệt về kỹ năng chuyên môn ở bộ phận nhà hàng và quầy uống:

Tổ “quản lý vật dụng bếp” phải có kỹ năng về trông coi sắp xếp.

Kỹ năng tiếp xúc với khách rất cần thiết đối với nhân viên phục vụ nhà hàng.

Bộ phận phục vụ hội nghị và “tổ chức tiệc” phải biết tổ chức và biết tính toán về hiệu quả của công việc.

Quản đốc “quầy uống” phải biết kiểm soát và có trách nhiệm với công việc.

Mặc dù có sự chuyên môn hóa cao trong công việc ở các bộ phận nhỏ, nhưng phải có sự hợp tác và phối hợp liên tục giữa các bộ phận này thì mới có thể thực hiện có hiệu quả được.


Một hội nghị chiêu đãi không thể nào tổ chức được nếu không có những cố gắng của tổ phục vụ hội nghị và tổ phục vụ “chiêu đãi tiệc” cùng với nhà bếp, các quầy rượu và tổ “quản lý các vật dụng nhà bếp” v.v…

Cũng như bộ phận phòng, mối liên hệ giữa các hình thái phụ thuộc, liên tục và hỗ tương tồn tại trong nhiều khâu chức năng khác nhau là rất phức tạp trong bộ phận nhà hàng & quầy uống. Đó là một gánh nặng đối với các quản đốc và cả đối với nhân viên trong việc điều phối ở bộ phận này.

C. Thương mại & Tiếp thị:
Bộ phận này thường nhỏ nên việc điều phối trong nội bộ dễ dàng hơn. Bộ phận này lại ít quan hệ với hoạt động hàng ngày của các bộ phận khác. Tuy nhiên, sự phân công cho các nhân viên điều hành tổ tiếp thị thường dựa trên các loại khách hàng mà khách sạn đang cố gắng chào mời thu hút. Các trưởng điều hành thương mại đôi khi cũng được chia thành các tổ nhỏ dựa trên các vùng địa lý quốc gia. Tuy vậy, các nhân viên tiếp thị và thương mại làm việc độc lập trong phần thị trường được phân công, do đó ít có vấn đề trong nội bộ.

D. Nhân sự:
Bộ phận nhân sự không phụ thuộc khách hàng, không dính dáng gì đến kinh doanh nhưng nó đóng một vai trò quan trọng để khách sạn hoạt động có hiệu quả. Bộ phận nhân sự được chia thành ba bộ phận chức năng nhỏ hơn: khâu tuyển mộ nhân viên, khâu đào tạo và khâu quản lý phúc lợi. Giám đốc nhân sự được xem như chuyên gia về luật lao động của Nhà nước, có thể làm công tác cố vấn cho giám đốc các bộ phận khác về vấn đề này. Mặc dù ba đơn vị chức năng nhỏ trên có mối liên hệ với nhau, nhưng không có vấn đề nan giải trong các hình thái phụ thuộc dây chuyền. Khó khăn của bộ phận nhân sự nảy sinh khi nó tác động vào các bộ phận khác trong khách sạn.


Chẳng hạn mặc dù bộ phận nhân sự tuyển mộ, phỏng vấn và sàng lọc các nhân viên có triển vọng, nhưng quyết định thuê nhân viên lại nằm trong các bộ phận tiếp nhận. Cũng giống như vậy quyết định thăng cấp hoặc kỷ luật, sự đóng góp của bộ phận nhân sự chỉ được giới hạn trong phạm vi cố vấn hoặc diễn giải các vấn đề mang tính pháp lý. Hiệu quả của bộ phận nhân sự tùy thuộc phần lớn vào khả năng của Giám đốc các bộ phận khác.

E. Bộ phận kế toán:
Ở một số khách sạn, bộ phận kế toán thực hiện hai chức năng “Cố vấn” và “Điều hành” trực tiếp. Vai trò truyền thống của bộ phận kế toán ghi chép lại các giao dịch về tài chính, chuẩn bị và diễn giải các bản báo cáo định kỳ về các kết quả hoạt động đạt được. Nhiệm vụ thường xuyên bao gồm việc chuẩn bảng lương, kế toán thu và kế toán chi. Chức năng này là nhiệm vụ của người trưởng phụ tá kiểm soát tài chánh. Ngoài ra bộ phận kế toán còn có chức năng liên quan đến các lĩnh vực khác của khách sạn: Đó là kế toán giá thành và kiểm soát các chi phí của toàn bộ hoạt động trong khách sạn. Thực tế, công việc này là của bộ phận kiểm soát chi phí & giá thành hơn là bộ phận kế toán. Hai khu vực mà bộ phận nhà hàng & quầy uống.

Tổ thu ngân (cashier) ở bộ phận tiền sảnh (front-office) của bộ phận kế toán chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ tất cả việc thu tiền, tính tiền vào tài khoản của khách. Mỗi ngày nhân viên kiểm toán ca đêm phải kiểm tra, vào sổ tất cả các hóa đơn chi tiêu & mua hàng của khách ở bộ phận khác nhau của khách sạn. Mặc dù những nhân viên này làm việc tại bàn tiếp tân nhưng nhiệm vụ là thâu ngân bằng cách tiếp xúc với khách hàng để thu tiền, vì họ là nhân viên của bộ phận kế toán nên phải báo cáo công tác lên người trợ lý kiểm soát các quầy thu.

Bộ phận kế toán cũng có mối quan hệ với các hoạt động của bộ phận nhà hàng & quầy uống. Người kiểm soát giá và thâu ngân của bộ phận nhà hàng & quầy uống đều làm việc trong bộ phận kế toán, họ theo dõi các doanh thu lẫn chi phí của bộ phận nhà hàng & quầy uống. Thâu ngân của bộ phận nhà hàng & quầy uống báo cáo lên người trợ lý kiểm soát các quầy thu. Kiểm soát viên giá thành trong bộ phận nhà hàng & quầy uống là xác định tính chính xác và hợp lý của tất cả các khoảng doanh thu từ nhà hàng & quầy uống. Bộ phận kế toán chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ và viết báo cáo hàng ngày các khoảng chi phí về thực phẩm và thức ăn được sử dụng. Trong nhiều trường hợp, bộ phận kế toán cũng chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống kiểm soát và bố trí khắp khách sạn.

Qua trình bày trên, bộ phận kế toán chỉ là một đơn vị thụ động được gắn liền với việc lưu giữ tài liệu kế toán hàng ngày. Thật ra nó gắn liền hoạt động với hai bộ phận phòng và nhà hàng & quầy uống. Ngoài ra, bộ phận kế toán còn có trách nhiệm đối với hệ thống thông tin quản lý trong toàn khách sạn.


Hai điểm cuối về trách nhiệm của kế toán cần được nêu là:
– Bộ phận kế toán đảm nhiệm việc thu nhập và báo cáo hầu hết các bản thống kê tài chính và hoạt động doanh thu của khách sạn. Qua chức năng này, nó đóng một vai trò tham mưu quan trọng cho toàn khách sạn bằng cách cung cấp các dữ kiện cho việc đưa ra các quyết định chuẩn bị ngân sách.

- Người đứng đầu của bộ phận kế toán có nhiệm vụ kép: không chỉ chịu trách nhiệm với Tổng Giám Đốc của khách sạn mà còn chịu trách nhiệm với phó chủ tịch về tài chính của tập đoàn khách sạn hay với chủ đầu tư. Vì người kế toán phải cung cấp cho tập đoàn khách sạn một bản xác minh (độc lập với Tổng Giám Đốc) về tính chính xác của các kết quả hoạt động về tài chính khách sạn. Do vậy, khái niệm về tính thống nhất các mệnh lệnh bị vi phạm thường xuyên đối với người kiểm soát tài chính khách sạn (vì có hai lãnh đạo).

Nguồn: Diễn đàn du lịch

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

VIETSOLUTIONS: Thân thiện - Đam mê - Chuyên nghiệp - Cống hiến

Câu lạc bộ Quản lý Buồng phòng Khách sạn Việt Nam vừa qua đã tổ chức một buổi hội thảo với chủ đề "Người Quản lý Housekeeping Xuất sắc 2016" vào ngày 21/05/2016 tại khách sạn Rex, Q.1, Tp.HCM. Buổi hội thảo đón hơn 200 nhân sự buồng phòng đến từ các khách sạn trên mọi miền tổ quốc. 

Các anh chị thích thú chụp ảnh lưu niệm trước khi bắt đầu hội nghị
Tiết mục mở màn với tiếng trống hùng dũng đem lại không khí đầy phấn khởi cho toàn bộ khán phòng
Tham gia tại sự kiện lần này, VIETSOLUTIONS đến với tư cách nhà tài trợ vàng của sự kiện. Với gian hàng lớn, VIETSOLUTIONS hân hạnh giới thiệu đến các anh chị trong câu lạc bộ những dòng sản phẩm mới nhất và tốt nhất từ nhà cung cấp mỹ phẩm Mingfai - một tập đoàn lớn mạnh trong lĩnh vực mỹ phẩm chuyên dụng cho khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các hãng hàng không...


VIETSOLUTIONS và Mingfai giới thiệu các dòng mỹ phẩm chuyên dụng như Culti, Lanvin, Aigner,...

VIETSOLUTIONS tư vấn cho khách hàng
Đại diện Tập đoàn Mingfai, ông Sunny Lee - Giám đốc Phát triển thị trường của Mingfai và đại diện VIETSOLUTIONS , ông Lương Thanh Nam - CEO đã có bài phát biểu tại hội nghị, giới thiệu về tập đoàn Mingfai và các chứng nhận đảm bảo nguyên vật liệu, quy trình, sản phẩm đạt chất lượng.


Dàn nhân sự trẻ của VIETSOLUTIONS cũng đem đến 1 tiết mục biểu diễn đầy vui vẻ và sôi động. Những tiểu phẩm ngắn lấy bối cảnh tại 1 khách sạn sang trọng cùng màn catwalk đầy ấn tượng, không chỉ giới thiệu được mỹ phẩm Mingfai mà còn gây được ấn tượng rất tốt cho toàn thể khán phòng.




Không chỉ đón tiếp và làm việc với khách hàng rất chu đáo, chuyên nghiệp, VIETSOLUTIONS còn thể hiện được sự thân thiện của mình trong công việc. Với tinh thần trẻ, đầy nhiệt huyết, đam mê, VIETSOLUTIONS mong muốn được cống hiến khả năng của mình để hỗ trợ cho chủ đầu tư trong từng dự án khách sạn/khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, chăm chút từng chi tiết, dịch vụ ưu việt, đạt hiệu quả kinh doanh cao, và góp phần nâng tầm ngành công nghiệp Khách sạn Việt Nam.



VIETSOLUTIONS biên tập

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Hiểu rõ môi trường kinh doanh trong ngành khách sạn

Trong các ngành như ngành điện lực,sản xuất xe hơi,.. là ngành độc quyền do đơn giản chỉ có một công ty cung cấp nhu cầu, nên không có sự cạnh tranh trực tiếp trong ngành.Ngành sản xuất xe hơi đòi hỏi phải có sự góp vốn rất lớn ngay từ ban đầu, vì thế sự cạnh tranh chỉ giới hạn trong phạm vi vài công ty. Nói chung , những cản trở càng ít thì các nhà kinh doanh đầu tư vào càng nhiều và như thế sẽ tạo ra mức độ cạnh tranh quyết liệt… Khách sạn là một trong những ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh cao.

Khách sạn là một hàng hóa

Sự trang hoàng và trình bày trong phòng khách và những nơi công cộng của một số khách sạn thường đầy đủ và tương tự như nhau, vì thế mà khách rất khó quyết định nên chọn khách sạn này hay khách sạn kia.
Tuy nhiên, cũng có những sự khác nhau: kiến trúc và địa thế có thể tạo cho một số khách sạn những nét riêng biệt và đó là những điều kiện thuận lợi cho việc cạnh tranh. Nếu các khách sạn tương đối giống nhau và không thu hút được khách bằng sự khác biệt của mình, thì khách sạn được xem như một loại hàng hóa và những nhà quản lí và người giành thắng lợi là người đã cho ra giá thấp nhất.
Nhưng thật sự khách sạn cạnh tranh trên cơ sở giá cả thì không có nghĩa là giá cả cần phải thấp. Những khách sạn được thiết kế phải dành cho một thị trường nhất định (chẳng hạn những thương gia, những người đi nghỉ mát, hoặc là những người đi dự hội nghị) có khung giá sẵn. Các khách sạn nhỏ giá chỉ từ 25 đến 30 USD cho mỗi đêm, nhưng những khách sạn dành cho những thương gia ở ngay trung tâm thành phố có thể có giá phòng từ 90 đến 110 USD. Trong trường hợp này, sự cạnh tranh là do khách nhận ra được những sự khác biệt tương đối giữa các khách sạn và sẽ chọn cái này hay cái kia trên cơ sở giá cả sẵn có. Vì vậy người điều hành khách sạn phải tìm ra những sự khác biệt giữa khách sạn của họ và của những đối thủ để tìm ra hướng giải quyết hơn là phá giá.

Quá nhiều khách sạn được xây dựng

Khuynh hướng xây cất quá nhiều trong công nghiệp khách sạn tạo nên sự quá tải trong kinh doanh khách sạn, tác động đến việc làm giảm giá cả và giảm chênh lệch lợi nhuận giữa giá bán và giá vốn. Một khách sạn mà một nửa phòng có khách nhưng chưa có khác biệt gì với những khách sạn khác, thì phải cạnh tranh bằng cách giảm giá.
 Vì việc kinh doanh khách sạn không có trở ngại gì lớn: việc qui vùng và những giới hạn môi trường có thể loại trừ việc phát triển khách sạn ở một số nơi, nhưng thực ra đó không phải là yếu tố cản trở chủ yếu. Do đó cứ mỗi khi việc thuê khách sạn và giá phòng tăng thì khuynh hướng phát triển khách sạn lại bùng nổ. Một khi việc cung cấp phát triển phòng ốc cao, trong lúc nhu cầu thuê phòng chỉ tăng vừa phải, thì kết quả là giá phòng sẽ bị tác động. Lợi nhuận của tất cả các khách sạn sẽ bị giảm sút, có khi kéo dài trong nhiều năm.
Khi tình trạng quá tải xảy ra, những khách sạn đòi hỏi những chi phí cao nhưng kém hiệu quả thường bắt đầu phải chịu lỗ, có khi dẫn đến vỡ nợ.
Tuy vậy, cứ thấy nhu cầu thuê phòng và giá phòng tăng lên đến mức có sinh lãi, thì việc xây cất lại được lặp lại vì các nhà thầu nhận thấy đây là cơ hội để kiếm lời. Đó là quy luật mà người quản lí khách sạn phải gánh chịu.
Phòng ốc cũng là sản phẩm dễ hư hỏng.

kinh doanh khach san

“Nếu phòng khách sạn không được thuê ngày hôm nay, thì ngày mai không thể cho thuê phòng đó hai lần cùng lúc được”. Ý nói là bỏ mất một ngày không cho thuê là sản phẩm phòng ốc ấy bị hư hỏng một ngày và ngày mai ta không lấy lại được tiền cho thuê sản phẩm ấy của ngày hôm nay. Khi một khách sạn được cất lên, thì tất cả các phòng của khách sạn ấy được mặc nhiên coi như là để phục vụ: Đó là sản phẩm mà nếu không được thuê thời gian nào xem như bị hư hỏng thời gian đó.
Người quản lí khách sạn giỏi phải biết rằng nếu họ không thể thay đổi khả năng cung ứng số phòng cố định, thì họ phải tập trung chú ý đến nhu cầu thuê phòng.
Khách sạn phải làm sao cho nhu cầu đi theo khả năng cung cấp cố định của khách sạn. Khi một khách sạn đã đầy khách, thay vì không nhận thêm khách, khách sạn có thể thuyết phục khách trở lại vào thời điểm khác khi khách sạn còn phòng phục vụ. Khi nhu cầu tăng thì khách sạn có thể tăng giá phòng đến mức cao có thể chấp nhận được và khi nhu cầu giảm thì phải tìm cách thu hút những loại khách quan tâm đến giá cả bằng “Giá đặc biệt”.
Quan hệ giữa cung ứng cố định và nhu cầu biến thiên là một trong những đặc điểm chính của ngành kinh doanh khách sạn.Trong bất cứ thương trường nào mà nhu cầu luôn biến đổi nhưng khả năng cung ứng lại cố định như kinh doanh khách sạn thì cách tính như sau: Nếu hôm nay có số lượng khách gấp đôi muốn thuê phòng, nhưng ngày mai hoàn toàn không có khách, thì có nghĩa tỉ lệ sử dụng phòng được phân chia như sau: Hôm nay là 100% và ngày mai là 0%. Tính bình quân trong 2 ngày là 50%, con số này không phải là tốt lắm. Nếu có cách thuyết phục một nửa khách của ngày hôm nay chuyển sang ngày mai thì tỉ lệ nói trên là có thể phân chia là 100% cho cả hai ngày.Ví dụ trên cho thấy rằng “Khả năng vận động của nhu cầu của một khách sạn sẽ quyết định đến sự thành công hay thất bại về mặt tài chính của khách sạn đó”.

Sưu tầm

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Qui tắc chuẩn mực khi ăn uống tại nhà hàng, bữa tiệc sang trọng

Trong cuộc sống chúng ta tham gia nhiều loại tiệc khác nhau: tiệc lớn nhất và trang trọng nhất gọi là quốc yến (nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, những dịp đón nguyên thủ quốc gia, thủ tướng các nước). Ngoài ra còn có nhiều loại tiệc khác như tiệc đứng, tiệc ngồi, tiệc lớn, tiệc nhỏ, tiệc trà, v.v…


Người châu Âu thì phân ra nhiều loại: tiệc lớn (đại yến) gọi là banquet; rồi cocktail, lunch, sauterie, gouter, surprise partie, pique-nique, v.v…Thực ra có thể dịch là: tiệc lớn, tiệc nhỏ, tiệc trà, tiệc dã ngoại, v.v…
Người Việt Nam có tập quán thường gọi các tiệc lớn nhỏ với ba tên sau đây: chiêu đãi, cocktail, tiệc trà. Nhưng đấy là gọi trong các buổi chiêu đãi chính thức hoặc trong ngoại giao; còn thân mật, bạn bè, kể cả mời trong dịp đám cưới thì đều dùng các tên sau đây: bữa cơm thân mật, mời dự ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, v.v… không ai dùng: “mời dự chiêu đãi nhân dịp đám cưới con chúng tôi”. Người châu Âu khi mời dùng bữa cơm thân mật bạn bè, cũng có tập quán tương tự.

Tổ chức tiệc ngồi

– Cần kiểm tra bàn tiệc thật chu đáo trước khi khách đến.
– Màu khăn phủ trên bàn tiệc phù hợp cũng thể hiện sự lịch sự đối với khách và cũng nói lên tính chất của bàn tiệc: màu trắng nếu chiêu đãi chính thức trọng thể, các cuộc chiêu đãi thân mật có thể dùng các màu khác hoặc màu trắng cũng được.
– Chỗ ngồi của từng vị khách phải thoải mái, không quá chật.
– Trước mặt mỗi vị khách, để một đĩa lớn làm nền lót đặt lần lượt các đĩa ăn khác lên đĩa lớn đó, đặt sẵn một đĩa vừa lên đĩa lót đó dùng cho các món khai vị. Nếu là tiệc vào buổi trưa, trên đĩa có đủ khăn ăn, gấp thành các kiểu dáng đẹp. Nếu chiêu đãi vào bữa tối thì đặt sẵn lên đĩa lớn một đĩa có đáy sâu để ăn xúp – thường là món ăn đầu tiên để ăn tối. (Ở Việt Nam thường ăn súp sau khi khai vị, ở Trung Quốc và một số nước khác, súp thường là món ăn cuối cùng, điều này tùy tập quán từng nước, không có gì vi phạm phép lịch sự). Tại các cuộc chiêu đãi trọng thể chính thức không cần dùng đĩa lớn để lót.
– Trước mặt mỗi vị khách, để chén nhỏ dùng rượu mạnh, cốc vang đỏ khi ăn thịt, cốc vang trắng khi ăn cá, cốc dùng nước trắng, nước suối hoặc nước hoa quả, cốc sampanh. Các cốc chén có thể bày một hàng hoặc hai hàng trước mặt khách. Nếu bày một hàng thì các cốc lớn bày phía tay trái của khách, chén rượu và cốc sambanh phía tay phải của khách. Nếu bày hai hàng thì các cốc lớn ở hàng trước, chén rượu và cốc sampanh ở hàng sau. Trước mặt khách còn có dụng cụ nhỏ đựng muối, tiêu, ớt, v.v… và gạt tàn thuốc lá.
– Bên phải của khách nếu đặt giá kê dao ăn thì bày từ bên ngoài vào: một thìa canh để dùng súp, một dao ăn thịt, một dao ăn cá nếu có cá. Tại các cuộc chiêu đãi trọng thể chính thức không dùng giá kê dao ăn.
– Bên trái của khách, bày từ bên ngoài vào phía khách: một dĩa ăn thịt, một dĩa ăn cá nếu có cá. Nếu có nhiều món ăn thì dọn hết dao và dĩa cũ đã dùng và thay thế bằng dao và dĩa mới (bên trái thường không để giá kê dao như bên phải).
– Một miếng cáctông con, thường là màu trắng, trên đó viết tay hoặc đánh máy họ tên vị khách, đặt trước mặt vị khách đó, một bản thực đơn thường là màu trắng viết tay hoặc chữ in (không đánh máy thành nhiều bản), có hoa văn trang trí trên thực đơn đó và được đặt trên miệng một cốc lớn trước mặt khách.
– Trước khi ăn tráng miệng, trừ cốc sambanh, còn thì dọn hết cốc chén, bát đĩa, dao dĩa đã dùng và bày chén để uống chè hoặc cà phê, dĩa con, dao con, cùi dìa nhỏ và bình đường nhỏ cần cho khi uống cà phê.

Trang trí bàn tiệc


– Thường người ta dùng màu trắng để trang trí bàn tiệc, hoặc có thể các màu khác, nhưng phải hài hòa với hình khối và màu sắc của gian phòng nơi diễn ra bữa tiệc.
– Có thể đặt một lọ hoa ở giữa bàn tiệc hoặc hai lọ hoa nhỏ ở hai đầu bàn tiệc, cuống hoa cần cắt ngắn; hoặc dùng những bình nhỏ xíu cắm 1, 2 hoặc 3 bông hoa đặt ở phía tay phải mỗi vị khách.
– Ngày Tết, nếu cần chiêu đãi khách, thì không cắm hoa vào bình hay vào chậu mà rải hoa và lá trên mặt bàn (cần xếp cho đẹp) hoặc đặt trên mặt bàn một bông hoa nhỏ ở phía tay phải mỗi vị khách.
– Người ta thường dùng các cây nến giả bằng điện để thắp sáng các bữa tiệc nếu tiệc tổ chức vào buổi tối; có thể dùng ánh sáng bằng các bóng điện thật, nhưng mọi loại ánh sáng dùng trong bữa tiệc phải dịu và dễ chịu, không có sự phân biệt về ánh sáng đối với một vị nào trong bữa tiệc, ngoại lệ có yêu cầu riêng.
– Các món ăn cần làm thế nào có thể thích hợp chung với mọi vị khách trong bữa tiệc; tránh những món ăn hoặc những gia vị quá cay, quá chua hoặc quá đắng có thể thích hợp với một vài vị trong bữa tiệc, nhưng không thích hợp với nhiều người khác. (Những người đang phải kiêng kỵ nhiều món ăn thì không nên mời đến dự tiệc mà nên thể hiện tình cảm bằng cách khác).
– Cần có vang trắng độ mạnh khi ăn cá, tôm, cua; cần có vang đỏ khi ăn thịt, phó mát; cần có bia khi ăn xúc xích nướng hoặc xúc xích hấp còn nóng hoặc khi ăn bắp cải muối; cần có nước trắng, nước suối, nước hoa quả khi ăn kem; cần có vang trắng nồng độ nhẹ hoặc sambanh khi ăn tráng miệng.
– Vang đỏ để ở bàn không cần lạnh; vang trắng cần để ở tủ lạnh trước khi đưa ra dùng; sambanh cần ngâm trong chậu có nước đá; khi khai vị không dùng các loại rượu vang; những chai rượu cổ cần luôn luôn để trong cái làn đẹp.
– Chỗ ngồi danh dự dành cho chủ nhà: nếu là một bàn tiệc thì ông chủ, bà chủ ngồi đối diện nhau ở chính giữa bàn; các vị khách là quý bà thì theo thứ tự được xếp bên tay phải, rồi tay trái ông chủ; các vị khách là quý ông thì theo thứ tự được xếp bên tay phải, rồi tay trái bà chủ. Cũng có trường hợp ông chủ, bà chủ ngồi đối diện nhau ở hai đầu bàn. Các quý bà được xếp bên tay phải, rồi tay trái ông chủ cho đến giữa bàn. Các quý ông được xếp bên tay phải, rồi bên tay trái bà chủ cho đến giữa bàn (như vậy giữa bàn thường là những vị khách theo thứ tự sau cùng). Nếu trường hợp chỉ có ông chủ hoặc một bà chủ thì vị chủ nhà đó chiếm một chỗ danh dự ở giữa bàn; vị khách chính sẽ ngồi đối diện vị chủ nhà ở giữa bàn; các vị khách sau đó tiếp tục được xếp bên tay phải rồi tay trái của vị chủ nhà (trường hợp này vị chủ nhà không ngồi ở đầu bàn nữa).

Vào dự tiệc

– Với khách, trước khi bước vào phòng dự tiệc, cần xem sơ đồ bàn tiệc để biết chỗ ngồi của mình.
– Tại phòng chờ, khi uống rượu khai vị, chủ nhà nâng cốc chúc sức khỏe các vị khách.
– Tại các buổi chiêu đãi chính thức trọng thể, khi uống rượu khai vị ở phòng chờ, cũng như suốt thời gian ở bàn tiệc, chỉ nâng cốc chúc mừng (không nâng cao quá), rồi uống rượu, không chạm cốc.
– Nếu cả hai vợ chồng chủ nhà cùng dự tiệc, thì khi bà chủ nhà mời khách vào phòng tiệc, bà chủ đi trước, rồi lần lượt khách nữ đi theo; sau đó đến khách nam. Ông chủ là người vào sau cùng. Các buổi tiệc trọng thể, thí dụ các quốc yến thì chủ nhà và khách chính vào trước, hoặc khi các vị khách đã tề tựu đầy đủ, rồi chủ nhà và khách chính mới xuất hiện.
– Bà chủ, khi đã vào phòng tiệc thì đứng sau chiếc ghế dựa là chỗ ngồi của mình, thân mật mời khách vào.
– Các vị khách ngồi sau khi chủ nhà đã ngồi. Có nơi, trước khi bữa tiệc bắt đầu thì chủ nhà phát biểu mấy câu, hoặc đọc bài phát biểu, rồi nâng cốc chúc mừng khách; nếu là quốc yến, trước khi phát biểu thường cử hành quốc ca nước chủ nhà và nước của khách.
– Các món ăn cần phục vụ nữ trước: mời bà ngồi bên phải chủ nhà trước, sau đó mời bà ngồi bên trái và cứ tiếp tục như thế, sau cùng mới đến bà chủ; sau đó mới mời đến các ông chủ. Nếu có hai người phục vụ thì một người mời bên nữ, một người mời bên nam; nếu có đông người phục vụ thì người phục vụ cần xem khi nào bàn chính bắt đầu thì các bàn khác mới phục vụ theo nguyên tắc phục vụ nữ trước, nam sau.
– Nếu trong bàn tiệc không có khách nữ, chỉ có nữ chủ nhà thì người phục vụ cần mời nữ chủ nhà trước, rồi lần lượt mời đến các vị khách và ông chủ là người mời sau cùng nếu ông chủ cùng dự.
– Sau khi người phục vụ mời món ăn rồi, chủ nhà ăn thì khách mới ăn; cũng có thể sau khi người phục vụ đã tiếp món ăn, khách có thể ăn, không cần đợi chủ nhà, nhưng không ăn nhanh, ăn vội.
– Người phục vụ tiếp món ăn và rót rượu đều làm ở phía tay trái khách. Có một số nước châu Á, đôi khi bày các món ăn trên bàn, khách có thể tùy ý ăn món gì hoặc nhiều hoặc ít, trừ món xúp hoặc một vài món nóng khác thì đưa sau; hoặc trong các bữa chiêu đãi thân mật, chủ hoặc khách thường lịch sự hỏi nhau xem muốn dùng món nào, rồi nhẹ nhàng tiếp cho nhau. Đấy là tập quán lâu đời cần được ghi nhận.
– Chủ nhà cần luôn luôn ngồi với khách, không đứng lên ngồi xuống nhiều, trừ bữa tiệc nhỏ thân mật, ít người, bà chủ thường phải đứng lên để đôn đốc người nhà đưa các món ăn cho kịp, cho chu đáo.

Món ăn tại tiệc ngồi

Trong các bữa tiệc có thể có nhiều món ăn Âu, Á khác nhau. Tại những bữa tiệc trang trọng, thường có những nguyên tắc chung cho việc sử dụng, sắp đặt các loại món ăn.

Món khai vị


Các món ăn khai vị được chuẩn bị trước và bày sẵn trên đĩa. Món khai vị thông thường là sandwich tức là bánh mỳ cắt nhỏ hình tròn, hình vuông…kẹp với thịt nướng hoặc xúc xích, pate, cá mực hoặc tôm, cua, trứng cá, ôliu muối, cà chua, dưa chuột… Đó là các món khai vị nói chung. Khách không nhất thiết phải dùng tất cả món này.
Tại tiệc ngồi, thường ít dùng sandwich, người phục vụ bày sẵn dụng cụ ăn trên bàn. Bên tay trái của khách đặt sẵn đĩa bánh mỳ. Lúc khách an tọa, người phục vụ đưa đĩa thức ăn khai vị mời khách. Món khai vị thường được dùng ở mức vừa phải, vì sau đó còn nhiều món khác.
Khác với tiệc đứng, trong tiệc ngồi khách dùng dĩa để ăn các món khai vị, trừ củ cải đỏ, có thể dùng tay.

Món xúp

Ở châu Âu, món xúp thường ăn sau món khai vị, nhưng người châu Á lại coi xúp là món cuối cùng của bữa tiệc. Có nước ăn xúp vào giữa bữa tiệc, có nước lại ăn hai loại xúp khác nhau trong bữa tiệc.
Sau món khai vị, người phục vụ đặt trước mặt khách một đĩa sâu lòng kèm theo thìa đặt trước đĩa, sau đó mời khách, khi được khách đồng ý thì múc xúp đổ đầy lòng đĩa. Ở châu Âu, nếu ăn nước xáo hoặc canh thì dùng đĩa đặt xuống dưới, bát đặt lên trên đĩa dùng đựng nước xáo hoặc canh.
Ở châu Á sử dụng bát và thìa để ăn xúp, chứ không dùng đĩa.
Nếu xúp, canh hoặc nước xáo còn nóng nên dùng thìa nhẹ nhàng đảo qua bát xúp. Khi ăn không nâng bát (hoặc đĩa) lên khỏi mặt bàn. Không húp thành tiếng động, không để thìa va chạm thành tiếng; không vét hết đĩa xúp.

Chú ý đối với các món thịt

Trong bữa tiệc, món ăn được chế biến từ thịt động vật là phổ biến nhất và rất phong phú. Ngay ở Việt Nam, thịt bò được chế biến thành “thịt bò bảy món” dùng trong các bữa tiệc đãi khách quốc tế. Hiện nay nhiều người châu Á ngày càng dùng các món ăn bằng thịt của người châu Âu và ngược lại.
Tuy nhiên, trong khi chiêu đãi các món ăn bằng thịt cũng cần phải chú ý một vài điểm sau:
Người châu Âu thường sử dụng thịt để chế biến các món thịt quay, hầm, rán. Do đó, khi đãi khách châu Âu cần chú ý bớt những món thịt luộc, không nên đãi khách các món tiết canh, lòng lợn, thịt chó, chỉ nên đãi các món này trong trường hợp khách là bạn thân thiết và có yêu cầu.
Trường hợp chiêu đãi khách các món ăn chế biến từ các loại động vật như khỉ, trăn, rắn, dơi…cần phải có sự đồng ý trước của khách.
Về gia vị, trong các món ăn nói chung, nên tránh các loại gia vị quá cay, tránh những món thịt nấu với gia vị như riềng, mẻ, mắm tôm.
Trường hợp đặc biệt, khách là người Việt Nam được người châu Âu chiêu đãi thì khách nên tránh đề nghị chủ nhà cho ăn món chim bồ câu. Nhưng nếu chủ nhà là người Việt Nam, vẫn có thể chiêu đãi khách món này, và người châu Âu vẫn ăn bình thường. Lý do chính là người châu Âu không có tập quán chủ động giết chim bồ câu làm thịt đãi khách.
Khi chế biến các món ăn chiêu đãi khách, chủ nhà cần phải quan tâm đến vấn đề ăn kiêng của khách.
Khi đãi khách quốc tế là nguyên thủ quốc gia, thủ tướng, bộ phận lễ tân nước chủ nhà nhất thiết phải điện hỏi lễ tân nước được mời để biết khách kiêng những món gì. Đối với những bữa tiệc trọng thể hay thân mật, chủ nhà cũng nên hỏi khách về vấn đề này, đặc biệt đối với khách là những người theo tôn giáo.
Một điểm cần lưu ý nữa là sau khi đã tìm hiểu kỹ về vấn đề ăn kiêng, chủ nhà phải hết sức cẩn thận. Khi đưa các món thịt mời khách, phải đưa đúng người, đúng chỗ, tránh đưa nhầm lẫn.
Trong khi ăn các món thịt, khách dùng các dụng cụ như dao, dĩa…trừ thịt chim, thịt gà có thể dùng tay, nhưng nhất thiết phải có bát nước rửa tay như khi ăn các món tôm cua (bát nước rửa tay bằng thủy tinh, nước trong, có mấy cánh hoa hồng rắc ở trên. Lúc rửa, không phải nhúng cả bàn tay mà chỉ nhẹ nhàng chấm mấy đầu ngón tay vào nước).

Xử lý món ăn phiền phức
Trứng cá


Trứng cá chỉ nhúng nước sôi khoảng 1-2 phút, lấy ra để trên giá đựng trứng, đặt trước mặt khách kèm một đĩa không.
Khách dùng cùi dìa con, khẽ đập vào đầu nhọn quả trứng, bóc vỏ trứng để một chỗ trống có thể dễ dàng bỏ thìa vào; sau đó dùng dĩa nhẹ nhàng làm thủng màng bọc quả trứng, lấy chút muối (đặt sẵn trên mặt bàn) để bỏ vào quả trứng và quý khách dùng cùi dìa để xúc trứng ăn.
Vì lòng đỏ trứng gà chưa chín, khi ăn cần lưu ý không để lòng đỏ trứng gà dây trên môi. Khi ăn trứng, quý khách có thể ăn thêm bánh mỳ, nhưng không dùng bánh mỳ chấm vào lòng đỏ trứng để ăn.

Trứng tráng hoặc ốp lết

Đối với món trứng tráng thì lòng đỏ, lòng trắng được đánh lẫn lộn, sau đó tráng chín rồi để nguyên cả mảng trứng hoặc đánh tơi từng miếng nhỏ; còn món trứng ốp lết khi tráng chỉ chín ít lòng trắng, lòng đỏ gần như còn nguyên.
Với trứng ốp lết, khách dùng cùi dìa lấy muối để sẵn trên bàn rắc lên trứng, sau đó dùng thìa lớn và dĩa để ăn với bánh mỳ. Không nên để lòng đỏ trứng dây trên môi.
Các loại trứng nói trên, phương Đông, phương Tây thường ăn vào bữa sáng, lúc điểm tâm, tuy nhiên cũng có thể vào bữa trưa hoặc bữa tối theo yêu cầu của khách.
Trứng vịt lộn được một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, dùng đãi khách nước ngoài trong các tiệc thân mật. Hiện nay, trứng vịt lộn đã được đưa từ châu Á sang châu Âu và một số nơi ở Bắc Mỹ.
Cua
Cua là món ăn tương đối phổ biến từ Đông sang Tây.
Cách ăn cua luộc: trước mặt khách, ngoài dao, thìa, dĩa, có thêm cái kẹp bằng kim loại kèm hai đĩa và một bát bằng thủy tinh có hoa văn trang trí, trong đó đựng nước trong suốt dùng rửa tay, trên mặt nước thả mấy cánh hoa hồng.
Ăn món cua luộc, khách có thể cầm tay: Đầu tiên bóc yếm cua, tách mai cua và để mai xuống đĩa, dùng thìa lấy muối trên bàn rắc lên thịt cua rồi để vào đĩa khác; sau đó, khách nhúng tay vào bát nước, dùng khăn lau tay rồi dùng dao và dĩa ăn thịt cua (nhúng nhẹ nhàng mấy đầu ngón tay vào nước, không nhúng cả bàn tay).
Dùng kẹp bằng kim loại bóp kẹp hai càng cua lớn, bóc vỏ vào đĩa và ăn thịt càng cua, lưu ý chỉ ăn hai càng lớn, không ăn càng nhỏ. Sau đó nhúng rửa tay vào bát nước.
Ở vùng Camtrátca của Nga có giống cua rất lớn, có con dài hơn một mét. Người Nga đóng hộp xuất khẩu đến rất nhiều nơi trên thế giới. Thịt cua hộp này được cắt thành khúc nhỏ dùng trong các món ăn khai vị.
Tôm
Tôm là món sang trọng, nhưng ăn khá phức tạp: vừa dùng tay, vừa dùng dao, thìa, dĩa…
Có nhiều loại tôm, nhưng có thể chia làm 3 loại: tôm lớn như tôm hùm (Homard), tôm he (Langoustine) và tôm nhỏ (Crevette). Trước khi ăn món này, người phục vụ cần bày trước mặt khách đầy đủ dụng cụ: đĩa, dao, dĩa, thìa và bát thủy tinh đựng nước rửa tay.
Loại tôm lớn thường luộc hoặc rán. Nếu tôm chưa được bóc vỏ thì dùng tay bóc hết vỏ tôm bỏ vào một đĩa. Không cầm cả con tôm đã bóc vỏ để ăn mà đặt nó vào một đĩa khác, sau đó nhúng và rửa qua mấy đầu ngón tay trong bát nước rửa tay. Khi ăn dùng dĩa, dao. Gia vị dùng để chấm là muối tiêu.
Thịt tôm cùng với thịt cua và gia vị nấu thành xúp, làm thành chả, đều là những món ăn tốt dùng để đãi khách. Tôm nhỏ đã bóc vỏ hấp chín kẹp với bánh mỳ thành món ăn khai vị; thịt tôm xay nhỏ trộn với bột gạo hoặc bột mỳ làm thành bánh phồng tôm, cũng là một món ăn khai vị được khách ưa thích.
Trai
Khi ăn món trai (moule) phải dùng dao nhỏ, khẽ cậy miệng trai, rắc muối tiêu vào miệng trai, sau đó dùng dĩa xúc thịt trai để ăn. Không đưa vỏ trai lên miệng để húp nước.
Ốc
Nếu ăn ốc đã luộc thì dùng dao nhỏ khẽ nhể miệng ốc, rồi dùng dĩa nhỏ kéo thịt ốc. Khác với món ốc dân dã của Việt Nam thường chấm với nước mắm gừng, ốc trong bữa tiệc thường chấm với muối tiêu. Không đưa con ốc lên miệng để hút nước.
Sò huyết
Sò huyết được coi như một loại thuốc bổ. Sò huyết dùng trong các bữa tiệc chính thức hoặc thân mật với số lượng thực khách ít. Người phục vụ đặt trước mặt quý khách một lò nhỏ than đang bốc cháy kèm một cặp bằng kim loại, các thứ dụng cụ khác, kể cả bát, đĩa.
Khách dùng cặp đặt con sò huyết lên trên lò cho đến khi chín, tức là khi miệng con sò tự động mở ra. Trong ruột con sò lúc đó vẫn có màu máu tươi nhưng đã ăn được. Quý khách dùng cặp đưa ra đĩa; dùng dĩa nhỏ xúc ruột sò huyết ra bát, cho nước xốt và rau thơm các loại vào (mỗi thứ một ít), rồi dùng thìa hoặc đũa để ăn. Cách ăn này xuất phát từ phương Đông rồi lan sang phương Tây. Cũng như khi ăn các món trên, không nên cầm bát húp nước sò huyết.

Những điều cần chú ý trên bàn tiệc


Khách không nên ăn trước mọi người. Khi ăn bánh mỳ, nếu bánh mỳ đã cắt lát, không nên dùng dao cắt nhỏ thêm, mà dùng tay bẻ nhẹ nhàng. Không để vụn bánh mỳ rơi vãi trên mặt bàn. Đối với những thức ăn như: xôi, bánh nướng, bánh hấp… thì có thể dùng tay để ăn.
Đường cát đựng trong âu con, dùng thìa nhỏ để lấy. Nếu là đường miếng thì sử dụng cặp để gắp.
Đôi khi trong bữa tiệc, kể cả tiệc ngồi trang trọng, người ta thường dùng các món như: gà, vịt, bồ câu quay hoặc rán. Nếu thấy chủ nhà ăn các món ăn này bằng tay thì khách cũng có thể làm theo.
Nước xốt là thứ nước dùng để chấm đồ ăn, hoặc để rưới lên đồ ăn. Các món xào, nấu, hầm, v.v… sau khi đã ăn hết cái, còn lại nước, thì cũng gọi là nước xốt. Khách chú ý không dùng thìa, muỗng để vét nước xốt, mà nên bẻ vài miếng bánh mỳ nhỏ, nhẹ nhàng bỏ vào đĩa, rồi dùng dĩa lật đi lật lại miếng bánh mỳ để nước xốt thấm vào rồi lấy lên. Cách ăn này chỉ sử dụng tối đa ba lần trong bữa tiệc. Trong không dùng dĩa cắm vào bánh mỳ rồi miết đi miết lại trên đĩa ăn nhằm thấm được nhiều nước xốt.
Nếu khách ăn cơm thì chủ nhà nên có món canh, kèm theo thìa, đũa. Trường hợp tiệc có lẫn các món Âu, Á thì khách không nên trộn cơm với nước xốt vào trong đĩa; cũng không nên dùng thìa hoặc muỗng để vét nước xốt cho vào cơm; càng không nên đổ cả đĩa xốt vào đĩa hoặc bát cơm của mình, mà phải ra hiệu cho người phục vụ rưới nước xốt vào.
Khi người phục vụ mang đồ ăn đến, không nên chọn miếng này, hoặc miếng kia, mà tùy người phục vụ tiếp món ăn cho mình. Nếu người phục vụ mời chọn, thì tùy ý mà chọn. Không nên lấy nhiều đồ ăn vào đĩa. Lấy vừa phải, ăn vừa đủ, không nên để thừa nhiều đồ ăn. Nếu món ăn nào không thích thì không nên ăn gượng. Nếu phải ăn kiêng thì có thể từ chối khéo.
Không nên ăn miếng quá to, cũng không há mồm to để ăn; không nên nhai nhồm nhoàm. Ăn xúp không để có tiếng động. Tránh ợ hoặc nấc khi đang ăn. Nếu muốn hắt hơi, cần quay lại đằng sau, dùng mùi xoa che mũi mà hắt hơi càng nhẹ càng tốt.
Ăn một món thấy ngon, khách không nên chủ động yêu cầu cho thêm món ăn ấy nữa, trừ trường hợp người phục vụ chủ động mời khách ăn thêm.

Sưu tầm

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Bài học quản lý: biết tìm người thay... mình

GS.Dave Ulrich, Đại học Michigan (Mỹ), người được xem là bậc thầy về quản trị nhân sự, đã đưa ra một định nghĩa khá thú vị về tài năng. “Tài năng có nghĩa là sự kế thừa (succession)...”!

Theo ông Ulrich, ngoài những phẩm chất đặc biệt khác, người lãnh đạo chỉ được xem là tài năng khi luôn đau đáu một kế hoạch chuẩn bị nhân sự cho tương lai và sẵn sàng chuyển giao quyền lực cho những người khác xứng đáng hơn.


Hiện nay nhiều tập đoàn nước ngoài cũng đã áp dụng cách thức trên trong quản trị nhân sự. Tức là, khi một người được cất nhắc lên một vị trí quản lý nào đó, người đó lập tức phải nghĩ ngay đến việc tìm người thay thế mình trong tương lai (dĩ nhiên là phải giỏi cỡ mình trở lên). Họ phải cam kết và coi đó là một nghĩa vụ. Để có động lực thực hiện, các công ty nước ngoài thường tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội thăng tiến. Nói cách khác, tìm được người kế vị mình, người đó mới được cất nhắc lên vị trí cao hơn.

Nhưng câu hỏi đặt ra là đối với bậc lãnh đạo cao nhất thì sao, động lực nào để họ từ bỏ vị trí của mình, chẳng hạn vị trí chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc trong một doanh nghiệp?

Đề cập vấn đề này, ông Ulrich đưa ra một kết quả khảo sát do ông tiến hành cho thấy: trong số các nhà lãnh đạo được phỏng vấn, chỉ có 20% quyết tâm trong việc xây dựng và chuyển giao quyền lực, 20% không nghĩ tới việc này, 60% còn lại thì vừa muốn vừa không. Theo ông, với 20% nhà lãnh đạo sẵn sàng chuyển giao quyền lực thì không còn gì để nói. Đối với 20% nhà lãnh đạo không nghĩ tới việc tìm người kế thừa thì không thể thay đổi được và cũng không thể trông mong gì ở họ.

Ông kể: ở Mỹ có một tập đoàn có lịch sử 85 năm nhưng đến nay vị chủ tịch tập đoàn vẫn tại vị mà không chịu nhường vị trí cho ai. Con trai ông này 60 tuổi và cháu nội 35 tuổi mỗi người nắm giữ một công ty cũng vậy. Một người bạn của ông phụ trách nhân sự trong tập đoàn đã hỏi ông cần phải làm gì trong trường hợp này. “Tôi trả lời là chỉ có thể cầu nguyện, cầu nguyện cho họ... chết đi chứ không thể làm gì được...”, ông Ulrich nói. Dĩ nhiên, khi những người cầm lái mất đi cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cũng chìm theo vì không còn người lèo lái.

Theo ông, đối tượng cần quan tâm là số 60% nhà lãnh đạo vừa muốn vừa không muốn chuyển giao quyền lực. Cần phải xây dựng ở họ tư duy về sự kế thừa. Cần chỉ ra rằng sự thành công và trường tồn của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào cá nhân họ mà cả ở những người kế nhiệm họ. Hơn thế nữa, một nhà lãnh đạo tài năng phải biết “đánh thức” được nguồn nhân lực để tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Theo ông Ulrich, McKinsey và GE là hai hình mẫu thành công trên thế giới. Hai tập đoàn này thành công không phải do doanh thu, có nhiều lãnh đạo, có vốn hóa lớn... mà nằm ở khả năng xây dựng được một đội ngũ nhân sự giỏi và biết cống hiến, cho cả hiện tại và tương lai.

Câu chuyện về Honda Soichiro, nhà sáng lập hãng Honda của Nhật, đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến. Trong tự truyện của mình, ông Soichiro kể rằng khi Honda đã trở thành một tập đoàn nổi tiếng, ông đã lặng lẽ từ chức. Vị trí điều hành cao nhất của tập đoàn được giao cho một người khác, còn ông chỉ nhận một chức vụ nhỏ nhưng hợp với sở trường là phụ trách mảng kỹ thuật của hãng. Điều này không hề khiến Honda yếu đi mà càng phát triển vượt bậc. Ai cũng hiểu đây chính là tâm nguyện và là động lực để ông Soichiro sẵn sàng nhường vị trí cho người khác dù đang ở trên đỉnh cao của quyền lực.

(Thời báo kinh tế Saigon)

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Nhận diện các giá trị thương hiệu Du lịch Việt Nam

Thương hiệu du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch phát triển du lịch, quản lý và nâng cao năng lực của điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch của điểm đến. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến các yếu tố giúp nhận diện giá trị thương hiệu của Du lịch Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng thành công thương hiệu cho Du lịch Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực.

Để nhận diện giá trị thương hiệu của Du lịch Việt Nam, trước hết cần so sánh đối chiếu để tìm ra những cá tính riêng biệt nổi trội của Việt Nam so với các nước có ngành Du lịch phát triển trong khu vực, (bởi các quốc gia thuộc Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng). Những kết luận so sánh sẽ giúp Việt Nam lựa chọn đúng hình ảnh khác biệt với các quốc gia đã xây dựng thương hiệu du lịch thành công.

Theo một nghiên cứu khoa học, các đối tượng tham gia quản lý, khai thác, cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ du lịch đều cho rằng ẩm thực, con người, phong cảnh thiên nhiên và văn hóa truyền thống là những hình ảnh đặc trưng nhất, đại diện cho Du lịch Việt Nam (Đỗ Cẩm Thơ, 2013). Do vậy, bài viết này cũng sẽ so sánh bốn yếu tố trên giữa Việt Nam với ba quốc gia có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia và Singapore để tìm ra hình ảnh đặc trưng của Việt Nam.


Thứ nhất, về ẩm thực, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, mang đậm dấu ấn dân tộc và các vùng miền. Mỗi vùng của Việt Nam đều có những món ăn đặc trưng với mùi vị và hương liệu độc đáo. Không thể không kể đến món phở và bún chả của miền Bắc, bún bò Huế và mì Quảng ở miền Trung, hay hủ tíu và bánh canh của miền Nam. Philip Kotler, cha đẻ của ngành marketing hiện đại đã nhận xét rằng ẩm thực có thể trở thành thương hiệu đặc trưng của Việt Nam sau khi ông đến thăm và thưởng thức các món ăn Việt Nam. Việt Nam có thể sử dụng hình ảnh “Kitchen of the world” (tạm dịch là “Bếp ăn của thế giới”) để định vị thương hiệu của quốc gia mình (The Saigon Times, 2011). Quả thật, ẩm thực của Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới không chỉ bởi hương vị, mà còn bởi sự pha trộn tuyệt vời của văn hóa, với những gia vị, cách trình bày và nấu nướng không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Vị đầu bếp nổi tiếng, giám khảo của chương trình American Masterchef mùa thứ 4 (tạm dịch là “Vua đầu bếp Mỹ”), Gordon Ramsay đã nói rằng hủ tíu Việt Nam là món ăn ngon và ấn tượng nhất mà ông từng được ăn (Masterchef US season 4).

Trong khi đó, Singapore và Thái Lan cũng là những quốc gia có nền ẩm thực được đánh giá cao khi lần lượt xếp ở các vị trí thứ 4 và thứ 10 trong số 25 quốc gia có ngành Du lịch phát triển (Country Brand Index 2012-13). Tuy nhiên, các món ăn của họ vẫn có sự pha trộn văn hóa của các nước khác. Nếu như Thái Lan nổi tiếng với món pad Thái hay cà ri ảnh hưởng từ ẩm thực Ấn Độ và Malaysia thì Singapore lại được biết đến với những món ăn Trung Hoa. Những món ăn tuy ngon, đặc sắc nhưng du khách có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia khác, không phải chỉ có riêng ở Thái Lan hay Singapore.


Thứ hai, về con người, do ảnh hưởng của văn hóa phương Đông nên cả Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều là những quốc gia thân thiện, nhiệt tình và hiếu khách. Đặc biệt, Thái Lan từ lâu đã nổi danh bởi xứ sở của những nụ cười thân thiện, của những con người hiền lành thật thà và sẵn lòng giúp đỡ du khách khi họ cần. Do vậy, yếu tố “con người” ở Việt Nam vẫn chưa tạo được nét khác biệt so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan.


Thứ ba, về thiên nhiên, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển ngành Du lịch trong khu vực. Đường bờ biển dài với hơn 100 bãi tắm biển và các đảo, hệ thống rừng quốc gia về động thực vật nhiệt đới, những điểm nghỉ mát trên núi mang dáng dấp như những đô thị nhỏ châu Âu, và những vùng nước khoáng nóng là tiềm năng du lịch phong phú thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam được biết đến với các kỳ quan thiên nhiên được thế giới công nhận như vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, đỉnh Fansipan… Khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng bốn mùa thu, hạ, đông, xuân tạo điều kiện để Việt Nam đón các đoàn khách du lịch quanh năm. Theo kết luận nghiên cứu về sự thỏa mãn của khách du lịch quốc tế đối với Du lịch Việt Nam, Việt Nam sở hữu vẻ đẹp tự nhiên và một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và biến nó thành một ngành kinh tế mũi nhọn (Quách Thu Phương, 2013).

Trong khi đó, cả ba quốc gia Malaysia, Thái Lan, và Singapore tuy được đánh giá nằm trong top 25 các điểm đến phát triển du lịch nhưng tài nguyên thiên nhiên lại không phải ưu thế của họ. Thật vậy, Singapore mặc dù được đánh giá là điểm đến an toàn, thân thiện với môi trường, một thành phố thu hút du khách bởi những khu mua sắm và điểm vui chơi giải trí nhưng lại không có tài nguyên thiên nhiên (Country Brand Index 2012-2013). Thái Lan và Malaysia được đánh giá ở vị trí số 1 và số 2 trong top 25 nước dẫn đầu về du lịch ở phương diện giá rẻ và có đồng tiền ổn định.

Có một thực tế là Thái Lan vẫn được quảng bá là thiên đường du lịch ở Đông Nam Á với nhiều bãi biển đẹp phục vụ nghỉ dưỡng (đảo Phuket và Samui đứng thứ 7 và thứ 10 về tiêu chuẩn đảo nghỉ dưỡng trên thế giới), Malaysia sở hữu nhiều kỳ quan thiên nhiên phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái (khu rừng rậm, công viên Kinabalu ở Sabah, công viên Taman Negara, hang động Sarawak Chamber). Tuy nhiên, hai quốc gia này vẫn không nằm trong 15 quốc gia dẫn đầu về vẻ đẹp tự nhiên (Country Brand Index 2012-2013).

Từ thực tế trên có thể thấy, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và được du khách quốc tế đánh giá cao.


Cuối cùng, về văn hóa, trong số bốn quốc gia so sánh, Malaysia là quốc gia đa sắc tộc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Đây là đất nước của những lễ hội sắc màu: đạo Hồi, đạo Phật, đạo Cơ đốc, đạo Hindu, đạo Khổng đều có nhiều ngày lễ vào các thời điểm khác nhau trong năm với những lễ hội, điệu múa và kịch truyền thống. Tuy là một quốc gia đa sắc tộc, Malaysia vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của châu Á. Đây được đánh giá là hình ảnh đặc trưng của Malaysia để thu hút khách du lịch khắp mọi miền thế giới (Datuk Dr. Victor Wee, 2010). Họ đã khẳng định thành công thương hiệu du lịch quốc gia dựa vào yếu tố văn hóa này với slogan “Truly Asia”. Do vậy, nếu chỉ dựa vào văn hóa, Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với một quốc gia giàu truyền thống như Malaysia.

Ngoài việc không thể cạnh tranh với Malaysia, Việt Nam khó có thể tạo được sự khác biệt do có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Thái Lan và Singapore như cùng theo đạo Phật, tổ chức tết âm lịch, tết trung thu…

Từ những phân tích trên có thể rút ra, ẩm thực và phong cảnh thiên nhiên là hai yếu tố đặc trưng, có thể được khai thác trong quá trình định vị thương hiệu Du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh và hình ảnh đã có, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn gặp phải một số trở ngại trong quá trình xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia như an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nhân lực du lịch, cơ sở hạ tầng, công tác quản lý tài nguyên… còn nhiều bất cập.

Những yếu kém này cần phải được khắc phục sớm nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch nhiều tiềm năng ngày càng phát triển bền vững và tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới.

Tài liệu tham khảo:

1. Country Brand Index 2012-13:

2. Datuk Dr. Victor Wee (2010): “Creating Brand Malaysia – A Success story in Malaysia’s tourism”, UNWTO capacity building workshop on tourism branding, Hà Nội, Việt Nam, 16-17/12/2010

3. Đỗ Cẩm Thơ và các cộng sự (2013): “Giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ

4. MasterChef US season 4: http://www.youtube.com/watch?v=6D759vIyo70 

5.Quách Phương Giang (2013): “Examining international tourists’ satisfaction with Hanoi tourism”,http://www.vietnamtourism.gov.vn/english/index.php?cat=0105&itemid=6740

ThS. Trịnh Lê Anh
ThS. Bùi Nhật Quỳnh

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Ðể phòng khách sạn thông thoáng hơn

Trong cuộc sống hiện đại để tạo cho mình một không gian riêng, thoáng đãng, thoải mái là nhu cầu của mỗi người. Với các khách sạn hiện nay để tiết kiệm diện tích bài trí hay xây dựng thêm phòng, các khách sạn cần có phương pháp thiết kế và tạo cho đơn vị mình một căn phòng thông thoáng, thu hút khách du lịch.


SỬ DỤNG ĐỒ NỘI THẤT NHỎ GỌN
Ðồ nội thất sẽ giúp trang trí thêm căn phòng. Nhưng bạn cũng chỉ nên kê những đồ nhỏ gọn để tiết kiệm diện tích và thoải mái khi di chuyển.

SỬ DỤNG ĐỒ NỘI THẤT MỘT CÁCH KHÔN NGOAN
Bạn nên sử dụng những đồ nội thất có màu trùng với tường sẽ khiến cho căn phòng trở nên rộng hơn. Ngoài ra, những đồ dùng bằng thủy tinh cũng sẽ giúp căn phòng của bạn rộng hơn.


LOẠI BỎ NHỮNG THỨ LỘN XỘN
Bạn nên sắp xếp mọi thứ trong phòng cho gọn gàng, ngăn nắp. Ðiều đó giúp cho căn phòng trở nên thoáng hơn. Những vật dụng nhỏ như remote điều khiển tivi hay quạt nên để chung với thiết bị để tránh phải xới tung mọi thứ lên mỗi khi cần tìm chúng. Những thứ cần thiết, sử dụng hàng ngày bạn nên để gọn lại, những thứ không cần thiết bạn nên bỏ đi hoặc cất vào góc khuất của căn phòng.

SỬ DỤNG ÁNH SÁNG, MÀU SẮC VÀ VẢI
Sơn tường và rèm nên sử dụng loại có màu sáng. Ngoài ra, cũng nên thiết kế cửa sổ sao cho căn phòng đầy ánh sáng. Ðược như vậy, căn phòng sẽ trở nên thông thoáng hơn.

TỐI ĐA HÓA ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN
Sử dụng nhiều đèn điện có thể khiến bạn cảm thấy tù túng, nóng nực. Việc tận dụng ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ giúp cho bạn cảm thấy dễ chịu và có cảm giác căn phòng rộng rãi hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên kê một tấm kiếng đối diện với cửa sổ, nó sẽ giúp phản chiếu ánh sáng cho căn phòng rất tốt, đồng thời nó cũng tạo ra một cảm giác ảo về chiều sâu của căn phòng.


TREO TRANH NGHỆ THUẬT
Bạn nên treo những tấm ảnh nghệ thuật cỡ lớn lên tường sẽ tạo cảm giác về không gian tốt hơn là treo nhiều tấm ảnh nhỏ. Ðây cũng là một cách để bạn trang trí thêm cho căn phòng.

Chỉ với một vài mẹo nhỏ có thể giúp các khách sạn tiết kiệm được diện tích để bày trí nhiều khoảng không gian khác nhau mà vẫn tạo nên một sự thư giãn thoải mái cho du khách.

Nguồn: khachsannhahang.vn

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Kinh doanh khách sạn và ngành du lịch


Kinh doanh khách sạn giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển ngành du lịch nói riêng, thể hiện trên các mặt sau


vai tro khach san
1.Cơ sở vật chất kỹ thuật của khách sạn
Như chúng ta đều biết, kinh doanh khách sạn đòi hỏi phải có cơ sở vật chất kỹ thuật khá hoàn hảo, đồng bộ, văn minh và hiện đại. Sự phát triển du lịch phụ thuộc trực tiếp và phát triển kinh doanh khách sạn, mà trước hết là cơ sở vật chất kỹ thuật, thể hiện trên các mặt sau :
  • Phát triển hệ thống khách sạn phản ánh sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương và phản ánh sự phát triển du lịch ở địa phương và quốc gia.
  • Doanh thu của khách sạn chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng doanh thu du lịch.
  • Cơ sở vật chất kỹ thuật khách sạn đại diện cung du lịch. Vì muốn thu hút khách và phát triển thị trường khách đòi hỏi phải có lượng cung đáp ứng.

2.Sự phát triển kinh doanh khách sạn thúc đẩy các ngành kinh tế và góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP

Theo tính quy luật chung, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân tăng lên, từ đó nhu cầu du lịch phát triển với tốc độ nhanh, trở thành hiện tượng xã hội, đòi hỏi ngành du lịch phát triển với tốc độ nhanh hơn nhịp độ tăng GDP, trong đó có hệ thống kinh doanh khách sạn giữ vị trí quan trọng.

3.Phát triển kinh doanh khách sạn góp phần khai thác các tài nguyên du lịch và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển

Sự hình thành và phát triển hệ thống khách sạn chủ yếu ở những nơi có tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn hoặc ở gần các tài nguyên đó. Vì vậy, phát triển kinh doanh khách sạn có tác dụng khai thác mọi tiềm năng ở địa phương và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

4.Kinh doanh khách sạn giữ vị trí quan trọng thực hiện chiến lược xuất khẩu quốc gia

Thu hút khách quốc tế là một trong những mục tiêu chiến lược phát triển du lịch nói chung và phát triển kinh doanh khách sạn nói riêng. Khách quốc tế đến lưu trú ở khách sạn càng phát triển thì doanh thu ngoại tệ càng tăng, điều đó có nghĩa phát triển kinh doanh khách sạn thực hiện xuất khẩu tại chỗ và góp phần thực hiện chiến lược xuất khẩu của đất nước.
Sưu tầm

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Quản lí tập trung nội dung thông minh trên Hotel TV

Việc cung cấp thông tin, nội dung giải trí trực tuyến cùng với khả năng truy cập Internet qua các thiết bị thu kỹ thuật số không chỉ đang là xu hướng tiêu dùng, giải trí trong gia đình hiện nay mà còn được ứng dụng vào các hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả cao, trong đó phải kể đến ngành du lịch, khách sạn & khu nghỉ mát.


Tăng hiệu quả truyền thông giải trí bằng hệ thống Hotel TV


Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện những hệ thống tích hợp bao gồm các đầu thu kỹ thuật số (Set-Top-Box) với máy chủ có khả năng cung cấp nội dung giải trí một cách linh hoạt đến từng người dùng với những hình thức khác nhau, như dịch vụ giải trí theo yêu cầu VOD (Video On Demand), MOD (Music-On-Demand), IPTV (truyền hình Internet)… thông qua mạng lưới TV thông minh được đặt tại nhiều khu vực khác nhau.

Những giải pháp này không mới, nhưng do được áp dụng những công nghệ tiên tiến nên tích hợp được nhiều tính năng, mang lại hiệu quả và có tính ứng dụng rất cao, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Các giải pháp này giúp cho nhà quản lý tiết kiệm chi phí quản lý, tăng hiệu quả truyền thông – giải trí… trong khách sạn/resort.

Kết nối mạng lưới TV với máy chủ
Bên cạnh đó, trên thị trường cũng có giải pháp sử dụng hệ thống truyền hình IPTV (Internet Protocol Television) cũng nhằm để đưa nội dung giải trí vào mạng lưới phòng trong khách sạn hoặc khu nghỉ mát, cung cấp dịch vụ truyền hình, xem phim theo yêu cầu, truy cập Internet… kết hợp với các thông báo nội bộ, dịch vụ khách sạn…



Thông qua Internet và LYNK SINC để quản lý hệ thống Hotel TV từ xa
Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, khách sạn, cùng với sự đa dạng của các hình thức cung cấp nội dung số cho giải trí, kinh doanh, hãng điện tử hàng đầu thế giới đã cho ra đời giải pháp toàn diện nhắm vào hoạt động kinh doanh của các khách sạn/khu nghỉ mát. Giải pháp này bao gồm các Hotel TV (LED/Full HD) chuyên dụng tích hợp bộ xử lý, kết nối Wi-Fi, Set-Top-Box trong cùng một thiết bị và phần mềm quản lý hệ thống Hotel TV.




Quản lý nội dung tập trung


Trước đây, trên thị trường cũng có một số giải pháp cũng hỗ trợ việc truyền tải nội dung và cập nhật trực tuyến nhưng thường phải sử dụng nhiều máy chủ để cung cấp dữ liệu. Nếu như khách sạn cần cung cấp nhóm kênh truyền hình (LiveTV) và video theo yêu cầu (VOD) thì phải dùng đến 2 máy chủ phát nội dung riêng biệt.

Chính vì thế, một số nhà cung cấp truyền hình Internet (IPTV) đã kết hợp việc cung cấp nội dung giải trí với phần mềm quản lý của khách sạn. Điều này giúp cho khách lưu trú có điều kiện tìm hiểu thông tin tại các khách sạn, sử dụng dịch vụ ăn uống, tra cứu hoá đơn đã sử dụng trong khách sạn … từ phòng của mình thông qua Hotel TV.

Bên cạnh đó, khi sử dụng giải pháp này thì toàn bộ Hotel TV trong khách sạn được kết nối với nhau trên cùng nền tảng Internet (môi trường cáp mạng UTP); mỗi Hotel TV được gán một địa chỉ IP (Internet Protocol). Điều này giúp cho người quản trị hệ thống điều khiển nội dung và khắp phục sự cố từ xa thông qua phần mềm quản lý tập trung và kết nối mạng riêng ảo VPN.

Ở góc độ các nhà quản trị công nghệ thông tin, việc sử dụng một hệ thống phần mềm quản lý tập trung sẽ giúp khách sạn/resort thiết kế, sắp xếp, kiểm soát… toàn bộ nội dung được truyền tải đến các Hotel TV. Chỉ cần thao tác đơn giản trên máy chủ, người quản trị hệ thống có thể cập nhật cho toàn bộ mạng lưới Hotel TV, thay đổi màn hình với nội dung chào khách, bổ sung nội dung mới… Ngoài ra, họ có thể sắp xếp các nhóm kênh khác nhau cho từng khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu về công việc, giải trí cho các nhóm khách hàng riêng biệt.


Giải pháp TV dành cho khách sạn của Samsung


Để đáp ứng được nhu cầu cung cấp nội dung giải trí đa dạng cho khách lưu trú, nhưng đảm bảo việc quản lý hệ thống TV của khách sạn được đơn giản nhất, Samsung đã cho ra đời Giải pháp TV dành cho ngành khách sạn mang tên LYNK SINC. 

Giải pháp này bao gồm phần cứng là Hotel TV, được tích hợp sẵn Soft Access Point (AP), giúp nhà quản lý khách sạn có thể biến chiếc TV trong phòng thành điểm phát sóng Wi-Fi mà không cần trang bị thêm các bộ phát sóng Wi-Fi ở từng khu vực như trước. Ngoài ra, việc tích hợp Set-Top-Box bên trong Samsung Hotel TV khiến việc lắp đặt dễ dàng hơn và tiết kiệm không gian cho khách sạn. Đồng thời, với kết nối Allshare, khách hàng có thể trình phát nội dung màn hình của Smartphone lên màn hình TV dễ dàng, thích hợp với xu hướng thích chia sẻ hình ảnh, video ngay trong kì nghỉ dưỡng. 

Bên cạnh đó, phần mềm quản lý của giải pháp LYNK SINC, vận hành trên hạ tầng cáp mạng, sử dụng địa chỉ IP để quản lý toàn bộ nội dung trình chiếu trên toàn bộ Hotel TV một cách tập trung và cập nhật nội dung gần như tức thời. Với phần mềm quản lý này, các nhà quản trị cũng có thể kiểm tra tình trạng của Hotel TV, cập nhật firmware, phần mềm của Hotel TV ngay tại phòng điều khiển. Từ đó, các nhà quản trị có thể chủ động phát hiện và khắc phục sự cố cho hàng trăm phòng khách sạn một cách nhanh và hiệu quả nhất mà không phải đến từng phòng gây ảnh hưởng đến khách… Ngoài ra, với phần mềm quản lý đơn giản, nhà quản lý còn có thể lựa chọn hoặc tùy biến một giao diện phù hợp cho khách sạn/resort của mình. 

Ở mức đầu tư thấp hơn, Samsung cung cấp giải pháp LYNK REACH (Remote Enhanced Active Control for Hospitality), bao gồm phần cứng là Hotel TV dành riêng cho giải pháp này và hệ thống máy chủ được cài đặt phần mềm quản lý LYNK REACH. Đặc biệt, giải pháp LYNK SINC có thể vận hành trên hạ tầng cáp đồng trục mà đa số các khách sạn trước đây đã trang bị.

VIETSOLUTIONS hân hạnh là nhà phân phối Tivi chuyên dụng cho khách sạn của thương hiệu Samsung tại Việt Nam. Hơn nữa, VIETSOLUTIONS cũng cung cấp những dịch vụ tư vấn chuyên sâu về kỹ thuật và vận hành hệ thống trình chiếu cũng như các giải pháp quản lý khác trong khách sạn. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất.

Nguồn: pcworld