Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Chủ đầu tư khách sạn - Họ là ai?

Khách sạn rất náo nhiệt và lôi cuốn, nhưng nó cũng chỉ là một loại doanh nghiệp có một người làm chủ và động cơ hoạt động của nó, đơn giản chỉ là lợi nhuận. Mục đích của chủ đầu tư chỉ là thương mại, nhưng lại ảnh hưởng đến cách quản lý của khách sạn.

Những người chủ vắng mặt
Người chủ thật sự của khách sạn có thể là những ông chủ bất động sản, những con người kinh doanh chuyên nghiệp và giàu có, họ cũng có thể là những nhà đầu tư các hệ thống mạng lưới kinh doanh to lớn như những công ty bảo hiểm và quỹ phúc lợi.


Những người chủ này đầu tư vào lãnh vực kinh doanh khách sạn cũng giống như học đầu tư vào công việc kinh doanh bất động sản vậy. Họ thường không biết cách quản lý khách sạn, nên một số nước công nghiệp phát triển như ở Mỹ chẳng hạn, họ thường kí những hợp đồng đối với những công ty quản lý khách sạn như Holidays-Inns, Hilton hoặc Sheraton để quản lý khách sạn với cái gọi là hợp đồng quản lý (Management contract). Tổng Giám đốc, các cấp điều hành và các nhân viên đều làm việc cho công ty quản lý khách sạn. Tuy vậy, việc quản lý phải đảm bảo cho cả hai phía chủ đầu tư (owner) và công ty quản lý khách sạn (management operations) để có một sự thống nhất nào đó.
Người chủ của khách sạn không dính vào việc quản lý các hoạt động hàng ngày của khách sạn được gọi là “Người chủ khiếm diện”. Do đó, những nhân vật “khiếm diện” không có được sự đam mê trong hoạt động khách sạn. Điểm mấu chốt của họ là lợi nhuận và càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Kinh doanh của họ không phải là nghề nghiệp mà chỉ là một sự đầu tư. Thêm vào đó, những người chủ khiếm diện này rất ít biết về hoạt động khách sạn nên không thông cảm hết được những vấn đề nan giải xảy ra trong hoạt động của khách sạn.
Vì vậy, mới xảy ra việc xây dựng ồ ạt các khách sạn kéo theo: lợi nhuận giảm, khách sạn thua lỗ; việc quyết định đầu tư ban đầu không quan tâm đúng mức vị trí xây dựng, trang thiết bị, tiện nghi hay mức tài chính đầu tư. Người quản lý gặp những trường hợp trên thì dù có tài năng như thế nào chăng nữa cũng không làm được gì. Do đó, một người quản lý giỏi đã căn dặn “Khi đi làm phải lựa chọn cẩn thận: làm ở đâu và làm cho ai”.
Người quản lý khách sạn cảm thấy “một sức ép không thể tưởng tượng được trong công việc”. Đó là việc chủ đầu tư khiếm diện rất quan tâm vào lợi tức và người quản lý phải tổng kết lợi tức từng chu kì ngắn hạn: từng tháng, từng quý, từng năm. Đối với họ “sự thu hồi vốn” càng sớm càng tốt là yêu cầu lớn nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì họ là người đầu tư một tài sản lớn nên muốn kiểm tra tài chính một cách kỹ lưỡng. Cuộc họp hàng tháng giữa chủ đầu tư với Tổng Giám đốc và các nhân viên điều hành khách sạn là điều bình thường để xem xét lại các báo cáo tài chính lời lỗ. Nhưng các cuộc tiếp xúc giữa các cổ đông chính và Tổng Giám đốc khách sạn lại thường xuyên hơn nhằm xem xét chương trình hoạt động trong tháng để có những quyết định can thiệp kịp thời, những quyết định mà họ cho rằng không thể chờ đợi đến cuộc họp hàng tháng với các chủ đầu tư.

Tác động của các cấp tập đoàn

Ngày nay ở Mỹ, ngoài một số khách sạn nhỏ, phần lớn ban điều hành của khách sạn làm việc cho những “tập đoàn quản lý nhiều khách sạn”. Ví dụ như tập đoàn quản lý các công ty khách sạn nổi tiếng Marriot, Westin, Ramada, Sheraton và Hilton.
Có những công ty quản lý khách sạn khác ít nổi tiếng hơn nhưng cũng quản ly khá nhiều khách sạn như: Aircola, VMS Realty Partners, The Continental Companies, Servico và Lacken Inc. Vì vậy, ban điều hành khách sạn và đặc biệt là các vị Tổng Giám đốc và Giám đốc phải biết mình quan hệ với ai trong tập đoàn và làm việc như thế nào với họ.
Mỗi khách sạn riêng lẻ trong một tập đoàn là một trung tâm lợi nhuận. Tập đoàn công ty quản lý khách sạn chỉ nắm những quyết định chiến lược của ban điều hành từng khách sạn để hổ trợ hay chỉ đạo nhằm tạo lợi nhuận càng nhiều càng tốt cho khách sạn. Vì tiền thu được của công ty quản lý phụ thuộc vào lợi nhuận của khách sạn.
Hệ thống quản lý cấp tập đoàn không thể điều hành trực tiếp các khách sạn riêng lẻ, nó chỉ kiểm soát chặt chẽ từ xa mọi hoạt động cụ thể của khách sạn. Chức năng điều phối này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ trong điều hành của Tổng Giám đốc của khách sạn trực thuộc và người điều hành cấp tập đoàn.
Nếu các khách sạn do vốn đầu tư của tập đoàn thì sự quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận của tập đoàn cũng giống như bất kì các chủ đầu tư nào khác. Nếu công ty khách sạn chỉ quản lí các khách sạn do người khác đầu tư, thì sự quan tâm của công ty quản lí khách sạn là giữ vững và duy trì tốt những hợp đồng quản lí đã kí với chủ đầu tư. Hợp đồng này chỉ tồn tại khi khách sạn do tập đoàn quản lí làm ăn có lãi.

VIETSOLUTIONS sưu tầm từ nguồn Atks

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét