Để so sánh một quản lý nhà hàng bình thường với một quản lý giỏi thật khó. Nhưng tựu chung lại, một quản lý nhà hàng giỏi phải là người có tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm. Và họ phải dám tạo sự khác biệt.
Thương trường là chiến trường
Ai từng kinh doanh mà không một lần nghe tới câu nói này. Không thể phủ nhận việc cạnh tranh gay gắt khiến các quản lý nhà hàng luôn phải dè chừng nhau, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút là sự nghiệp của bạn sẽ lao dốc. Nhưng bạn đừng quên rằng đối thủ cạnh tranh cũng là người khiến bạn phải nỗ lực, tìm cách vượt qua họ để phát triển. Bạn cũng rút ra được rất nhiều bài học từ chính sự thành công hay thất bại của họ.
Hơn thế, việc quan niệm đối thủ cạnh tranh là kẻ thù, kẻ địch khiến quản lý nhà hàng chỉ tập trung giành giật khách hàng từ đối thủ, mà quên đi việc phải phục vụ họ như một thượng đế. Ấy là khi bạn đã quên đi giá trị cốt lõi trong kinh doanh nhà hàng.
Hãy coi nhà hàng là ngôi nhà chung của những người có cùng chí hướng. Quản lý nhà hàng nên truyền cảm hứng, khiến nhân viên đồng cảm cùng bạn và nỗ lực cống hiến cho mục đích chung. Bạn nên tạo điều kiện hỗ trợ sự phát triển của họ. Hãy uỷ quyền cho nhân viên của bạn trong một số công việc nhất định. Điều này không chỉ làm giảm gánh nặng cho bạn, mà những nhân viên cũng cảm thấy công sức của mình được ghi nhận, ý thức trách nhiệm cao hơn và sẽ đóng góp nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên nghệ thuật quản trị nhân sự luôn phức tạp, nhất là trong môi trường kinh doanh nhà hàng. Ít người ngay từ đầu đã rành rẽ vấn đề này. Do đó, bạn nên tham gia các khoá học quản lý nhà hàng để nâng cao kiến thức và mài giũa kỹ năng quản lý.
Quản lý nhà hàng nên chỉ dẫn cho nhân viên cách làm bạn mong muốn, thay vì chăm chăm theo dõi họ làm việc rồi hạch sách từng lỗi sai. Hãy khuyến khích họ làm việc độc lập để phát huy tối đa khả năng của mình, chứ không chỉ nhìn biểu cảm của sếp mà làm việc.
Một quản lý nhà hàng tài giỏi sẽ biết cách tạo cảm hứng cho nhân viên, đưa ra những cam kết về lợi ích mà họ sẽ nhận được nếu cống hiến hết mình. Nhân viên sẽ làm việc chăm chỉ hơn khi có niềm tin vào các mục tiêu của tổ chức, hài lòng với những gì nhận được và nhìn thấy lợi ích từ những gì mình cống hiến. Tất nhiên, người quản lý cũng không nên quên rằng một chút áp lực sẽ khiến nhân viên luôn cố gắng, nỗ lực vì công việc.
Không phủ nhận được phong cách quản lý hành chính cũng giúp thúc đẩy nhân viên, nhưng nếu bạn chỉ áp dụng một mình phương pháp ấy, quản lý nhà hàng sẽ trở thành một ông sếp độc đoán. Thay vào đó, hãy linh hoạt kết hợp cùng nhiều phương pháp quản lý khác, bạn sẽ thấy được hiệu quả tốt.
Đừng quá lệ thuộc vào công nghệ, nó chỉ giúp bạn thoát khỏi những việc thủ công để tập trung hơn cho những vấn đề khác. Một quản lý nhà hàng tài giỏi nên kết hợp những phân tích kết quả từ hệ thống cùng những cảm nhận của mình để ra quyết định. Bạn không thể uỷ quyền cho máy tính làm thay công việc của mình. Chúng tôi xin nhắc rằng, bạn là ông chủ, không phải máy móc, đừng chối bỏ trách nhiệm của mình.
Để trở thành một quản lý nhà hàng xuất sắc là cả hành trình dài. Hãy luôn nỗ lực, giữ vững đam mê, tự hoàn thiện mình, và trao dồi hiểu biết.
Những quản lý nhà hàng giỏi suy nghĩ môi trường kinh doanh là một hệ sinh thái, có quan hệ đấu tranh, cộng sinh. Từ góc độ này, người quản lý sẽ xây dựng đội ngũ nhân sự có khả năng thích nghi với môi trường. Theo đó, việc kinh doanh nhà hàng sẽ không mang màu sắc “hiếu chiến” mà trở nên thân thiện hơn. Nhà quản lý có thể bắt tay liên kết với công ty, khách hàng và cả những đối thủ cạnh tranh.
Phải luôn coi nhà hàng là gia đình thứ hai
Đừng coi những nhân viên như những bánh răng trong cỗ máy nhà hàng. Quan điểm này quá cứng nhắc. Đây là biểu hiện của quản lý nhà hàng thích kiểm soát. Tất nhiên, sự kiểm soát sẽ giúp nhân viên làm việc quy củ, nghiêm túc. Nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi, nếu bạn siết chặt sợi dây da, nhân viên sẽ thấy ngột ngạt. Đến một thời điểm, họ sẽ bỏ đi và kiếm tìm những cơ hội mới.
Phải coi nhân viên là bạn, là cộng sự, không phải người làm công
Đúng là bạn trả lương cho họ, bạn thuê họ. Nhưng nếu nhân viên không làm việc bạn sẽ chẳng thu về một đồng lãi nào cả. “Tay làm hàm nhai”, mỗi người đều có một vai trò nhất định, không nên xem thường vị trí nào bởi nhà hàng là một hệ thống. Quản lý nhà hàng là người vận hành hệ thống đó, nhưng bạn sẽ chẳng làm được gì nếu thiếu dù chỉ một mảnh ghép trong hệ thống ấy.
Nỗi sợ hãi không thể trở thành động lực làm việc
Nhiều quản lý nhà hàng cho rằng khi nhân viên lo sợ bị sa thải hay kỉ luật thì họ sẽ làm việc cẩn trọng và tận tâm hơn. Song đây hoàn toàn là một suy nghĩ sai lầm, áp lực quá cao sẽ khiến nhân viên chọn làm việc theo lối an toàn, nói gì làm nấy, ngại đóng góp ý kiến, rụt rè hơn khi giao tiếp giữa các thành viên. Kết quả là việc kinh doanh nhà hàng của bạn sẽ dậm chân tại chỗ.
Thay đổi để phát triển
Những quản lý bình thường rất ngại thay đổi. Bởi khi sự thay đổi đến sẽ phát sinh vô khối những công việc mới, họ ngần ngại giải quyết những vấn đề mới. Đó là vấn đề phức tạp và vô cùng đáng sợ đối với họ. Theo họ, nhà hàng chỉ cần thay đổi khi không còn con đường nào khác. Chính vì vậy, những nhà hàng này thụ động trước những thay đổi. Khi làn sóng thay đổi kéo tới, họ mới bắt đầu làm bè, và trở nên tụt hậu hơn nhiều so với các đối thủ khác.
Ngược lại, quản lý nhà hàng luôn ý thức được cần phải “sống chung với lũ”. Thay đổi là việc cần làm để tiến lên. Họ luôn học hỏi, luôn tiếp thu và luôn đón đầu xu thế mới. Họ không thoả mãn với thành công hiện tại, mà luôn tìm cách nỗ lực hơn nữa để phát triển nhà hàng.
Công nghệ chỉ là phương tiện hỗ trợ
Công nghệ thông tin phát triển khiến việc quản lý nhà hàng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn có thể đi xa mà vẫn theo dõi được tình hình kinh doanh nhà hàng. Song đôi khi bạn lại quá lạm dụng nó. Thử tưởng tượng, bước chân vào một nhà hàng dày đặc những máy quay an ninh, khách hàng sẽ thấy ra sao, nhân viên cảm nhận thế nào? Họ sẽ không hề thoải mái khi bị giám sát bởi những thứ máy móc vô tri đấy.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét