TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra các nước Colombia, Philippines, Thái Lan, và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP. Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…Thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia này, thông qua các biện pháp giảm (thậm chí là loại bỏ hoàn toàn trong một số trường hợp) các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Cùng với tăng cường dòng chảy vốn, TPP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên. Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.
Mặc dù cơ hội mở ra đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ là rất lớn, song nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng bị “thua trên sân nhà” khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực.
Đánh giá về những thuận lợi và cơ hội sẽ mở ra cho Việt Nam khi tham gia TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, tham gia TPP sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như quốc tế, xuất khẩu có cơ hội tăng mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch dịch vụ sẽ có sự tăng trưởng đáng kể do sự gia tăng của dòng khách nội khối tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, việc nới lỏng điều kiện di chuyển sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lại, tạo ra xu thế chuyển dịch giữa các nước TPP.
Mặc dù có nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng những thách thức đối với lĩnh vực du lịch dịch vụ cũng không nhỏ. Theo các nội dung đàm phán TPP được Bộ Công Thương công bố mới đây, mở cửa lĩnh vực dịch vụ sẽ không phân biệt đối xử (bao gồm không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau và không phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài).
Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực cho ngành du lịch dịch vụ do sự cạnh tranh không cân sức về vốn, công nghệ, trình độ tay nghề của DN nước ngoài, nhất là khả năng nắm bắt thị hiếu, tâm lý người tiêu dùng của DN nước ngoài đang ở khoảng cách rất xa so với các DN du lịch, dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, theo ông Khánh, điều này không đáng lo ngại bởi mở cửa không có nghĩa là “mở” hết mà cần có thời gian để xem xét, đây là lộ trình cần thiết để có những quyết định phù hợp đối với một dịch vụ mới.
“Ví dụ như trong tương lai có khả năng sẽ xuất hiện nhiều dịch vụ mới mà tại thời điểm này chúng ta chưa thể hình dung cũng như đánh giá được tác động (có thể là ngành nghề nhạy cảm, gây ảnh hưởng không tốt đến văn hóa xã hội, thuần phong mỹ tục Việt Nam), thì trong trường hợp này chúng ta không cho phép DN nước ngoài cũng như các DN trong nước hoạt động kinh doanh. Điều này không vi phạm các nội dung đàm phán, cũng như không nước nào có quyền “bắt” chúng ta phải mở cửa”, Thứ trưởng Khánh cho biết.
Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist, trong trường hợp DN lữ hành nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam thì đây là điều hết sức bất lợi đối với các DN lữ hành trong nước. “Hiện tình trạng cạnh tranh giữa các DN kinh doanh dịch vụ, du lịch trong nước đã rất gay gắt, nếu phải đương đầu với các DN nước ngoài thì chúng ta nắm chắc phần thua, do DN nước ngoài mạnh hơn chúng ta nhiều lần cả về vốn, trình độ, công nghệ”, ông Kế nói.
Thêm vào đó, một vấn nạn tồn tại hàng chục năm nay vẫn chưa được xử lý triệt để, đó là tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh lữ hành. Theo thống kê, nếu như năm 2010 cả nước chỉ có khoảng 500 DN lữ hành quốc tế (LHQT) thì đến nay đã có trên 1.500 DN kinh doanh LHQT, trên 10.000 DN lữ hành nội địa. Sự gia tăng quá nhanh các DN LHQT trong khi các chế tài chưa đầy đủ, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh, bát nháo trong hoạt động kinh doanh lữ hành.
Giám đốc một DN LHQT chia sẻ, tình trạng nhiều DN lữ hành chui (không có giấy phép kinh doanh LHQT) cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bán phá giá tour và ăn cắp bản quyền đang khiến cho các DN du lịch chân chính điêu đứng. “Để cho ra đời một tour du lịch thể thao cho một đoàn khách quốc tế, chúng tôi phải mất cả tháng trời để tiến hành khảo sát thực địa, nơi lưu trú, địa điểm dừng chân... sau đó các bộ phận mới ngồi lại với nhau để phân công cụ thể. Thời gian và công sức chúng tôi bỏ ra rất lớn, chưa nói đến chi phí đầu tư, nhưng tour vừa được chào bán thì ngay lập tức bị đánh cắp. Bức xúc nhất là sản phẩm đó lại được chào bán rẻ hơn nhiều so với tour chính thống của chúng tôi, do họ không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào, cũng như chi trả thuê văn phòng, đội ngũ nhân viên...”, vị giám đốc này bức xúc.
Được biết việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện rất nhiêu khê nên phần lớn các DN du lịch rất ngại khi tiến hành các thủ tục bảo hộ cho sản phẩm của mình. Trong khi đó, các cơ quan hỗ trợ pháp lý SHTT cho DN lữ hành còn thiếu. “Khách du lịch đi tour giá rẻ không thể được hưởng dịch vụ tốt, do vậy họ phản ánh chất lượng dịch vụ kém. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến tổng thể du lịch. Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào bảo hộ quyền SHTT đặt ra trong TPP, qua đó các DN kinh doanh chân chính sẽ có cơ sở pháp lý để giữ bản quyền của mình”, vị này chia sẻ.
Trong bối cảnh dòng khách du lịch quốc tế bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian dài suy giảm liên tiếp, các DN lữ hành đang kỳ vọng vào các giải pháp của ngành để thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch, nhất là chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành. Ông Lưu Đức Kế cho rằng, nếu tiếp tục duy trì cách làm manh mún như hiện nay thì khả năng thua là cầm chắc khi TPP có hiệu lực. “ Phần lớn DN không chú ý đến việc các công ty đối tác có mua bảo hiểm hay không? Hay như hiện nay các DN Inbout cho đối tác nợ hàng tháng, thậm chí hàng quý, nếu có vấn đề thì rủi ro rất lớn. Hoặc tranh chấp nhân sự sẽ có khả năng xảy ra trong khi hầu hết DN còn rất mơ hồ”, ông Kế nói.
VIETSOLUTIONS sưu tầm & biên soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét